MỤC LỤC
1. Báo Hiếu Trong Đạo Phật.
2. Phật Dạy Cách Báo Hiếu.
3. Hạnh Hiếu Của Người Con Phật.
4. Biết Ơn Và Đền Ơn.
5. Hạnh Hiếu Trong Đạo Phật.
6. Tinh Thần Báo Hiếu.
7. Phật Dạy Về Hiếu Hạnh.
8. Quan Niệm Về Hạnh Hiếu Của Người Con Phật.
9. Tinh Thần Hiếu Đạo.
Biết ơn và đền ơn
Hôm nay là ngày tự tứ của chư Tăng, cũng là ngày chư Phật trong mười phương hết sức hoan hỷ. Vì qua thời gian ba tháng, chư Tăng an cư tu tập trang nghiêm thanh tịnh nên chư Phật rất vui. Đồng thời đây cũng là ngày mà giới Phật tử làm bổn phận hiếu đạo đối với song thân của mình, cho nên còn gọi là ngày báo hiếu hay ngày Vu Lan thắng hội. Vì thế, chúng tôi sẽ trình bày một số hình ảnh hay những nét về đạo hiếu ở thế gian cũng như trong đạo Phật.
Cổ nhân thường nói người biết ơn mà lo báo đáp, đó là người có phẩm cách cao đẹp. Còn người chịu ơn mà chẳng lo báo đáp, đó là người không xứng đáng. Quả thật là một câu nói chuẩn mực cho người đời lấy đó làm phương châm trong thuật xử thế của mình. Chúng ta thấy như lời Phật dạy, chúng ta có mặt ở đây là đã mang không biết bao nhiêu ơn tình, nhất là đối với đấng sanh thành dưỡng dục. Rồi những người bảo bọc uốn nắn cho chúng ta nên người, những tấm lòng trang trải để gìn giữ, để tạo sự tốt đẹp cho đời sống của chúng ta nữa. Chúng ta sống yên ổn đầy đủ tươi tắn là nhờ có những mối quan hệ tốt đó. Những thâm ân ấy có thể nói trong suốt cuộc đời, chưa chắc chúng ta có thể báo đáp cho hết được.
Ở đây vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh, ơn sâu nặng nhất là ơn cha mẹ. Thường những người có hiếu đạo là những người có kiến thức, có hiểu biết và trong cuộc sống luôn luôn áp dụng được những hiểu biết đó đối với song thân, đối với tất cả những người có liên hệ và trôi tròn bổn phận của mình trong các mối tương quan tương giao ấy. Nói đến đạo hiếu là nói đến phụng thờ cha mẹ. Khi chúng ta biết nghĩ đến hiếu đạo thì, cha mẹ của mình đã lớn tuổi lắm rồi hoặc không còn có mặt trên đời này nữa. Lúc đó chúng ta muốn phụng dưỡng cũng không biết làm sao cho được. Cho nên có những vị tự buồn, tự trách mình, nghĩa là khi mình có thể thực hiện được hiếu đạo thì cha mẹ đã qua đời, người thân đã khuất bóng, không biết làm sao. Thế nên khi cha mẹ còn sinh tiền, chúng ta nên lưu tâm đến việc này. Về hiếu đạo thì trước nhất là phụng thờ cha mẹ. Trong phụng thờ cha mẹ, có những điều gần gũi mà người con Phật chúng ta có thể làm được. Một là thường ngày đối với cha mẹ, chúng ta luôn luôn kính ngưỡng. Hai là vui vẻ khi phụng dưỡng cha mẹ, nghĩa là chúng ta làm việc này bằng tấm lòng chân thành vui vẻ. Thực hiện bổn phận bằng sự hiểu biết, đó gọi là một người con hiếu đạo. Chứ không phải chúng ta làm việc này bằng sự bắt buộc, máy móc hay vì một lý do hoàn cảnh nào khác. Trôi tròn đạo hiếu như vậy mới xứng đáng đạo làm người. Ba là khi cha mẹ còn sinh tiền, có bệnh tật gì, hoặc gặp phải hoàn cảnh gì khó khăn trong cuộc sống thì chúng ta luôn để tâm lo lắng. Bởi vì đó là bổn phận, là trách nhiệm của chúng ta. Bốn là khi cha mẹ qua đời, việc tang lễ phải thành kính, chu tất.
Đặc biệt đối với Phật tử, là người con hiếu đạo nhất tâm hướng về cha mẹ mình thì phải biết hướng về Tam Bảo. Chọn hoàn cảnh nào thuận lợi đối với mình nhất, chúng ta cố gắng tu tạo công đức để hồi hướng cho cha mẹ và những người thân đã quá cố. Cho nên trong tất cả những nghi thức có thể thực hiện được phải vừa thích hợp với nghi lễ của thế gian, đồng thời cũng không mất đi tinh thần của Phật pháp. Nghĩa là cả đạo lẫn đời chúng ta đều trôi tròn đầy đủ. Chủ trương đạo hiếu trong nhà Phật là làm sao vừa đơn giản, vừa thể hiện tấm lòng chí thành khẩn thiết của mình.
Nói về hiếu hạnh, có rất nhiều điều kiện để chúng ta thực hiện. Ở đây tôi xin dẫn một gương hiếu đạo đối với cha mẹ hồi xưa, mà cho tới bây giờ mọi người đều kính ngưỡng nhắc nhở, đó là chuyện ông Tăng Sâm, học trò của đức Khổng tử. Ông có công dạy cho cháu của đức Khổng tử nên người, làm nhiều việc ích lợi cho xã hội nên đời sau tôn ông là Tăng Thánh.
Tăng Sâm người ở thành Nam Vũ nước Lỗ thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Nhà rất nghèo, ông thường đi đốn củi, cày ruộng để phụng dưỡng cha mẹ. Mặc dù khó nhọc nhưng lúc nào ông cũng hoan hỷ, luôn làm tròn bổn phận hiếu hạnh đối với song thân. Vua nước Lỗ nghe danh ông nên muốn ban cho bổng lộc. Nhưng Tăng Sâm tuyệt nhiên từ chối. Ông nguyện sống bình thường, làm những công việc bình thường, tự tay tạo phương tiện sống để nuôi dưỡng song thân. Đó là tấm gương sáng chúng tôi nêu lên cho Phật tử noi theo. Chúng ta đừng nghĩ rằng khi nào mình phát tài, hoặc có quyền, có tiền, chúng ta mới trôi tròn được hiếu hạnh. Trong hoàn cảnh nào cũng vậy, tùy theo duyên, theo cảnh, theo phận của mình mà trôi tròn, không đợi và cũng không ỷ lại, chờ mong cái gì ở bên ngoài cả. Tự sức mình làm ra, bằng tấm lòng chân thật để dâng cúng cho cha mẹ, đó mới là quí. Dù cho phẩm vật dâng cho cha mẹ khiêm tốn, giản dị, bình thường, như củ khoai, bát gạo, bát nước… nhưng lòng mình vui vẻ, kính thương. Dâng hiến, cung phụng như vậy đối với song thân cũng được xem là một tấm gương hiếu hạnh. Bằng ngược lại dù có của cải nhiều, địa vị cao mà chúng ta không làm được những điều thông thường ấy, thì đối với đạo hiếu, chúng ta chưa làm tròn vậy.
Quan trọng ở chỗ tâm thành. Dù trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể thực hiện được đạo hiếu đối với song thân trong tinh thần Phật pháp. Thế nên Tăng Sâm nói: “Hạnh hiếu đứng đầu trăm hạnh tốt. Hiếu cảm đến trời thì mưa hòa gió thuận, hiếu cảm đến đất thì muôn vật hóa sinh, hiếu cảm đến người thì mọi phúc đều đến”. Người dạy được như vậy, nói được như vậy, chính là người đã làm tròn bổn phận hiếu hạnh của mình đối với cha mẹ.
Chúng ta đọc sách Thánh hiền cũng thấy. Nếu nơi nào, đất nước nào có nhiều người sống được tinh thần này thì cảm đến trời đất, nơi đó thanh bình, mọi việc đều tốt đẹp, vui vẻ. Nếu đạo hiếu cảm đến con người thì có thể chuyển hóa được xã hội, phúc lành hiện ra. Ví dụ trong một gia đình, nếu tất cả những người con đều hiểu biết, và áp dụng được tinh thần hiếu thuận thì gia đình đó là một gia đình tốt đẹp, hạnh phúc. Như vậy mỗi thành viên trong gia đình đó là một nhân tố quan trọng, góp một phần gầy dựng nên một xã hội tốt đẹp.
Chủ trương của đạo Phật là chính từ mỗi con người của chúng ta phải hoàn bị, phải đầy đủ, phải thật trôi tròn bổn phận và tư cách của mình. Bao giờ phần của mình tròn đủ rồi thì chung quanh sẽ được ảnh hưởng. Tinh thần đó bắt nguồn từ tâm chân thành của mỗi người chúng ta.
Thêm một vị nữa, cũng là một trong những vị xưa nay được nhân loại ca tụng là người chí hiếu. Đó là Lữ Vọng. Ông dạy như thế này: “Có hiếu với cha mẹ thì con có hiếu với mình”. Chúng ta hãy nhớ kỹ những lời này, nếu mình là người có hiếu với cha mẹ thì con cái của mình mới có hiếu với mình. Đây chính là tinh thần nhân quả của đạo Phật. Nếu chúng ta sống không tròn bổn phận đối với cha mẹ hoặc làm xúc não cha mẹ thì hậu quả con cái của mình sẽ làm khổ mình. Bởi vì chúng ta không có hiếu thì con cái hiếu thảo với chúng ta sao được. Nếu chúng ta tạo được gương tốt sống hiếu hạnh thì khỏi sợ con cái bất hiếu với mình.
Trong xã hội, tất cả mọi gia đình, có con có cháu, ai cũng mong cho con cháu mình ngoan, học giỏi, có hiếu hạnh để làm ích lợi cho xã hội, hay ít ra nó cũng gầy dựng được sự no ấm đầy đủ cho gia đình, thân tộc. Không ai muốn trong gia đình mình có những suy hại, hoặc bất an. Muốn là một lẽ, nhưng bản thân chúng ta phải thực hiện được những điều đó. Chúng ta làm được như vậy thì con cái chúng ta sẽ làm được và cháu chắt trong gia đình nối tiếp theo gương trước hiếu đạo vẹn toàn. Đó là điều dĩ nhiên.
Lữ Vọng lại dạy tiếp thế này: “Người hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận; người ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Nếu chẳng tin hãy xem nước mưa ở trên mái nhà rơi xuống dưới thềm, giọt trước, giọt sau chẳng sai chút nào hết”. Ở đây đưa ra hình ảnh nước mưa từ trên mái nhà rơi xuống từng giọt, đúng vào một chỗ, cũng như cha mẹ thế nào thì sinh con thế ấy. Cha mẹ hiếu thuận hoàn bị thì sẽ sanh được con cái hiếu thuận hoàn bị. Cha mẹ ngỗ nghịch thì con cháu cũng sẽ ngỗ nghịch. Đó là cái gương hay là lời dạy của bậc Thánh xưa.
Đến đây, tôi xin dẫn gương hiếu hạnh trong đạo Phật. Trước nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị giáo chủ của chúng ta. Đức Phật trước khi xuất gia, Ngài là một vị Hoàng tử. Ngài sống trên lụa là gấm vóc và lòng yêu thương vô bờ của cha mẹ. Thế nhưng Ngài cắt đứt tất cả để đi tu thì quả thực mới nhìn vào chúng ta thấy hiếu đạo của Ngài không được vuông tròn. Chúng tôi nêu lên điều này để thấy phần sâu xa trong tinh thần đạo Phật. Bởi vì hiếu hạnh trong đạo Phật có khác hơn thế gian một chút. Truyện tiền thân của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, có một đoạn nhân duyên như thế này: Thuở quá khứ, ngài là một vị Thái tử tên Tu Xà Đề. Khi Thái tử còn nhỏ, nhà vua bị một tên phản thần âm mưu giết chết. Hai người anh của vua đã bị giết. Trong tình huống bức xúc đó nhà vua, hoàng hậu và Thái tử trốn khỏi kinh thành. Nhưng vì không rõ đường nên chạy lạc. Tất cả lương thực chuẩn bị đã hết. Bây giờ phải làm sao? Nhà vua xót xa lắm, nhìn hoàng hậu, đứa con trai duy nhất, và thân phận mình. Đang lo sợ giữa rừng rú, nhà vua khổ sở vô cùng. Hoàng hậu biết được tâm trạng đó nên nói: Tôi nguyện hy sinh thân mạng này kéo dài sự sống cho vua và thái tử. Như vậy mới mong có ngày trở về quê hương, đuổi được kẻ thù, phục hưng đất nước và đem lại thanh bình cho nhân dân.
Thái tử Tu Xà Đề lúc ấy tuy còn nhỏ nhưng đã sớm nhận ra tấm lòng của mẹ, Thái tử liền nguyện xin được cúng dường cha mẹ bằng cách mỗi ngày Thái tử cắt thịt trên thân của mình và chia làm ba phần: một dâng cho cha, một dâng cho mẹ, còn một phần nhỏ thì Thái tử dùng, để kéo dài mạng sống chút nào hay chút ấy. Nhưng thịt trên thân người có là bao nhiêu đâu, nên chỉ trong một thời gian ngắn, thân phần của ngài đã hết thịt. Oằn oại trong sự đau đớn, nhưng Thái tử thấy phụ hoàng và mẹ còn sống thì nhất định sẽ có ngày tươi sáng. Thái tử tin chắc như vậy. Cuối cùng Tu Xà Đề gắng gượng sức lực thưa với cha mẹ: Trên thân phần của con còn chút ít thịt, xin cha mẹ dùng hết và hãy quyết tâm tiến bước, phần con nguyện ở lại đây. Mong cha mẹ sớm tìm lại sự sống cho quê hương, cho nhân dân mình. Khi trên thân phần của thái tử Tu Xà Đề không còn chút thịt nào để dùng được nữa thì Thái tử kiệt sức.
Tâm hiếu hạnh này động đến cõi trời. Chư thiên muốn thử thách tấm lòng hiếu thảo của Thái tử nên hiện tướng dữ hỏi Thái tử: Ông làm việc này chủ ý như thế nào? Thái tử Tu Xà Đề trả lời bình thản: Tôi không sợ những cái rầm rộ, dữ dằn của các ông đâu, tâm tôi bình yên vững vàng và tôi nguyện việc làm của tôi là để hồi hướng Phật đạo, thành tựu lợi ích cho tất cả chúng sinh. Tôi không mong cầu một phúc quả nào khác. Nếu tâm thành của tôi, lời nguyện của tôi, tấm lòng chân thật của tôi đúng như vậy thì cho thân thể tôi được hoàn bị trở lại. Bằng như lòng tôi còn một chút gì hối hận hoặc buồn phiền, tiếc rẻ, thì xin cho trái lại lời nguyện này. Liền khi ấy, thân thể của Thái tử lành lặn như xưa.
Bấy giờ chư thiên rất hoan hỷ và kính trọng, xem Thái tử như một Bồ tát thị hiện. Phần vua cha được vua nước lân cận giúp cho phương tiện, cả gia đình đoàn tụ trở về quê hương, đuổi được phản thần, gầy dựng lại đất nước phồn thịnh, xã hội tốt đẹp. Nhà vua đem tinh thần Hiếu hạnh Từ bi của đạo Phật để giáo hóa nhân dân. Sau khi thái tử Tu Xà Đề đã thực hiện được đạo hiếu rồi, Ngài liền phát nguyện: Nguyện đời trước tôi có những điều gì sai ác, từ đây xin trừ sạch hết và sẽ không dám làm nữa. Nguyện cho cha mẹ tôi thường được 10 điều sau đây:
1.Nguyện cho cha mẹ khi ngủ được an vui.
2.Nguyện cho cha mẹ khi thức cũng được an vui.
3.Nguyện cho cha mẹ không thấy ác mộng.
4.Nguyện cho cha mẹ thường được chư thiên ủng hộ.
5.Nguyện cho cha mẹ được mọi người ái kính.
6.Nguyện cho cha mẹ không bị trộm cắp.
7. Nguyện cho cha mẹ không bị giặc giã.
8. Nguyện cho cha mẹ không bị mưu hại.
9. Nguyện cho cha mẹ không bị yêu nghiệt.
10.Nguyện cho cha mẹ luôn gặp những việc tốt đẹp.
Đây là những điều nguyện ước của Thái tử, người con hiếu hạnh đối với cha mẹ. Lo lắng từ giấc ngủ, miếng ăn cho đến cuộc sống của cha mẹ. Luôn đem những công đức lành mà mình đã tu tạo được hướng về cha mẹ. Thái tử Tu Xà Đề là tiền thân đức Phật Thích Ca. Gương hiếu hạnh trong nhiều đời của ngài đã như vậy.
Do đó chúng ta không thể nhìn vào những hình thức thông thường mà có thể đánh giá đạo hiếu được. Người Phật tử muốn thực hiện được bổn phận này phải làm sao? Chúng ta phải có tu, phải có trí tuệ. Khi làm một bổn phận nào đó, chúng ta phải làm bằng trí tuệ của mình. Như vậy việc làm của chúng ta mới hoàn bị.
Thông thường, việc đi tu có khi làm buồn gia đình hoặc bị người đời trách là không làm tròn bổn phận đối với gia đình và xã hội. Nhưng nếu người tu đó sáng đạo, dâng hiến đời mình cho tất cả chúng sinh thì đó quả là một con người xứng đáng. Đó là một phương pháp tốt nhất để đền trả những thâm ân. Cho nên Phật tử chúng ta không phải tu hời hợt, học Phật pháp sơ sơ ở ngoài da mà có thể trôi tròn được việc hiếu hạnh. Cần phải nỗ lực tu, sao cho xứng đáng với bao công ơn của cha mẹ, đàn na thí chủ. Tinh thần hiếu hạnh trong đạo Phật đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, phải biết vận
dụng trí tuệ. Hình thức chỉ là việc phụ thôi. Tất cả những gì hiện tại chúng ta chưa trôi tròn được thì ghi nhớ trong lòng, đã thọ ơn thì phải trả ơn. Bởi vì người tu không phải là người vô ơn bội nghĩa mà hơn ai hết, người tu hiểu việc này, biết áp dụng việc này sâu sắc, lợi ích cả người lẫn mình, đời này và đời sau.
Một đoạn nhân duyên khác. Lúc đức Thế Tôn ở Tinh xá Trúc Lâm, phía sau Tinh xá này có một vị Tỳ kheo bị bệnh ghẻ lở, thân thể máu mủ chảy ra ai cũng gớm không dám đến gần. Vị này ở trong một căn phòng lợp bằng lá đã hư nát. Thế Tôn thường đến với vị Tỳ kheo này và được sự hỗ trợ của chư thiên, Ngài rửa sạch vết thương, thoa rắc thuốc cho thầy được lành, đồng thời đem pháp bảo dạy dỗ cho Thầy tu hành được thanh tịnh, chứng quả A-la-hán.
Việc làm này, Phật không cho ai biết hết. Bởi vì nó được xuất phát từ một nguyên nhân trong thời quá khứ. Phật nói thuở quá khứ, có một vị vua ra đời, đất nước thanh bình. Vua rất tin cậy một quan đại thần, nên trao hết quyền xử lý tội nhân ở trong nước. Nhưng quan đại thần lại là người không tốt. Những tội nhân nào đút lót của cải thì việc xấu hóa ra tốt. Còn như ai mà không có phương tiện đút lót lo lắng thì việc tốt hóa ra xấu. Vì vậy biết bao người bị oan uổng. Đây là việc làm trái với nhiệm vụ, trái với sự giao phó của nhà vua.
Tuy nhiên có lần, một vị Ưu Bà Tắc phạm chút lỗi, quan đại thần biết vị này là đệ tử Phật, có tâm tốt, do đó ông tha. Đó là một trọng ân. Phật kết luận lại, quan đại thần là tiền thân của thầy Tỳ kheo bị bệnh ghẻ lở ung độc. Còn vị Ưu Bà Tắc được tha thời đó chính là tiền thân của Phật. Phật nói: “Ta đã thọ ơn thì phải trả ơn”. Đã mang ơn rồi thì bằng cách này cách nọ, đời này hay đời khác cũng phải cố gắng tìm cách trả lại ơn trước. Vì vậy nên Phật đã đến chăm sóc cho vị Tỳ kheo bị bệnh ghẻ lở. Phật dạy: “Trong vô lượng a tăng tỳ kiếp ơn tuy nhẹ, nhưng nếu chúng ta đã thọ thì phải lo đền đáp. Đến khi nào đã làm hoàn bị thì mới yên”. Người tu không quên bất cứ một ơn nhỏ nào khi đã thọ. Nói gọn lại cho Phật tử chúng ta nhớ và áp dụng được trong đời sống của mình: Một khi chúng ta đã thọ ơn của người khác, dù đó chỉ là một ơn nhỏ thôi, nhưng nếu chúng ta là người tròn đủ hạnh hiếu, biết ơn và đền ơn đầy đủ thì nhất định chúng ta phải trả cho được cái ơn đó.
Thêm một câu chuyện nữa về hạnh hiếu của đức Phật. Vào mùa hạ thứ bảy, đức Thế Tôn lên cung trời Đâu Suất để hóa độ cho Hoàng hậu Ma Da đã thác sanh về đó, sau khi sanh Ngài bảy hôm. Mỗi ngày Phật thuyết pháp và Hoàng hậu hiện thân thiên tử đến nghe. Sau những lần nghe pháp, mẹ Ngài chứng quả Tu Đà Hoàn. Phần này có kinh nói: Phật thuyết pháp tại cung trời Đao Lợi, còn Hoàng hậu Ma Da là một vị trời ở cung trời Đâu Suất. Mỗi ngày bà đến cung Đao Lợi để nghe pháp. Sau những lần này bà chứng thánh quả.
Rõ ràng sau khi thành đạo rồi, đức Phật đã nghĩ đến thâm ân của mẹ, là người sanh ra mình. Dù hiện nay mẹ đã thác sinh lên thiên giới, nhưng con đường Phật đạo chưa xong thì đức Thế Tôn cũng tạo thắng duyên giúp cho mẹ thăng tiến trong pháp Phật. Chúng ta cũng vậy, nếu là Phật tử thường đi chùa, học và áp dụng được Phật pháp thì nhớ đến cha mẹ của mình, nếu chưa tin Tam Bảo, chưa hướng về Phật đạo thì cố gắng làm sao nhắc nhở, khuyến khích, tạo điều kiện cho cha mẹ của mình, cho những người thân của mình hướng về Tam Bảo, kính tin Tam Bảo, từng bước tu tập theo hướng Phật đạo. Tuy nhiên, việc giải thích, khuyến khích những người thân trong gia đình tu hành quả thật là một điều khó khăn, không phải dễ dàng. Điều này nói thì dễ mà làm thì rất khó. Nó đòi hỏi chúng ta phải trung thực, phải hoàn bị thì mới từng bước cất nhắc, khuyến khích, tạo điều kiện hướng dẫn người trong gia đình của mình trở về con đường Phật đạo. Chúng ta đã học hiểu Phật pháp quí báu như vậy, từng bước chúng ta áp dụng, và nghĩ đến những người thân của mình chưa có niềm tin đối với Tam Bảo, chưa hiểu Phật pháp. Chúng ta cố gắng tạo điều kiện như thế nào trong khả năng, trong phạm vi của mình để dìu dẫn người thân cùng đi trên một hướng Phật đạo. Được như vậy thì quí lắm. Đó là việc làm mà giới Phật tử chúng ta phải cố gắng.
Người xuất gia trong giai đoạn còn nghiên cứu, tu tập thì tất cả những bổn phận đó phải nén lòng để lại. Nhưng tự khắc tự hứa đến lúc đủ duyên thì cũng phải thực hiện bổn phận của mình đối với cha mẹ, đối với những người thân. Mình biết tu thì làm sao gia đình của mình cũng cùng hướng về Phật đạo, cũng là những người biết tu, biết làm lành, làm phúc, biết tạo tất cả những công đức khắc tỉnh, khắc tiến. Đó là bổn phận của người xuất gia.
Sự hiện diện của mỗi chúng ta ngày hôm nay là đã mang ơn, thọ ơn trong nhiều đời, nhiều kiếp. Nhất là ân nghĩa sanh thành dưỡng dục của cha mẹ trong vô lượng kiếp. Trong kinh Báo hiếu, đức Phật dạy: “Ví có người ơn sâu dốc trả, cõng mẹ cha tất cả hai vai, giáp vòng hòn núi Tu Di, đến trăm ngàn kiếp ơn kia chưa đền”. Núi Tu Di rất lớn. Ở thế gian chưa có hòn núi nào sánh được với núi Tu Di. Phật nói giả như chúng ta có cõng cha mẹ trên hai vai đi giáp ngọn núi này cũng chưa đền trả được thâm ân cha mẹ. “Ví có người vì cơn đói rét, nuôi song thân dâng hết thân này, xương nghiền thịt nát phân thây, trải trăm ngàn kiếp ơn đây chưa đồng”. Nghĩa là chúng ta sinh ra gặp hoàn cảnh đói kém, dù đem thân thể thịt da của mình dâng hết cho cha mẹ cũng chưa đền trả được thâm ân cha mẹ. Bởi vì ân của cha mẹ to lớn vô cùng. Nào là cưu mang, sinh trưởng, nuôi nấng, lo lắng đùm bọc từ khi chúng ta còn là giọt máu ở trong bụng cho đến sinh ra, lớn lên và nuôi dưỡng trưởng thành. Công khó biết là bao nhiêu, không thể nào kể hết được. “Ví có người vì công sanh dưỡng, tự tay mình khoét thủng song ngươi, chịu thân mù tối như vầy, đến trăm ngàn kiếp ân này thấm đâu”. Vì công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ rồi tự tay mình khoét thủng đôi mắt để dâng hiến dù phải chịu hoàn cảnh mù tối. Đó là trường hợp gặp phải tình huống bức xúc, như cha mẹ trải qua một cơn bệnh ngặt nghèo. Thầy thuốc bảo chỉ có đôi mắt mới có thể làm thuốc trị được bệnh của cha mẹ. Ở đây chúng ta có gan móc mắt mình làm thuốc cho cha mẹ trị bệnh chưa? Chắc là chưa. Dù cho quí vị là người Phật tử hiểu Phật pháp, biết rõ thân này không thật, nhưng cũng chưa dám làm. Chỉ nói quanh nói quất rằng thôi tìm kiếm đâu đó chớ bản thân chưa thể làm việc đó. Nhưng trong kinh Phật dạy ví dụ như người phát tâm làm được việc như vậy cũng chưa đền trả hết công ơn cha mẹ. Như vậy để thấy rằng công ơn cha mẹ lớn lao vô cùng.
“Ví có người cầm dao thật bén, mổ bụng ra rút hết tâm can, huyết ra khắp đất chẳng than, đến trăm ngàn kiếp thâm ân đâu bằng”. Đây là những lời dạy đinh ninh. Có những trường hợp thường thôi mà chúng ta còn chưa làm được. Ví dụ như cha mẹ bị bệnh ngặt nghèo, có người phát tâm tụng kinh Pháp Hoa một ngàn bộ để hồi hướng công đức nguyện cho cha mẹ hết bệnh. Ban đầu thì phát tâm dũng mãnh như vậy. Đến khi bắt đầu vào việc chỉ được một thời gian. Rồi sau đó đưa ra lý do này hoàn cảnh nọ nên không thể thực hiện được. Một việc làm mà tâm chưa quyết như vậy thì nhất định là kết quả chẳng ra sao. Đó là tôi chỉ nói những việc thông thường thôi huống là những việc khó như Phật dạy: Cầm dao mổ bụng rút hết tâm can v.v… Vậy mà vẫn chưa đền đáp được hết công ơn của cha mẹ.
Phật lại dạy: “Ví có người vì ơn dưỡng dục, tự treo mình cúng Phật thế đèn, cứ treo như vậy trọn năm, trải trăm ngàn kiếp ân thâm chưa đền”. Đây cũng nói lên tinh thần hiếu dưỡng. Ví như tự mình cúng Phật bằng cách treo thân thế đèn. Xứ sở mình tôi chưa từng nghe ai nói và cũng chưa từng nghe ai làm việc này. Đèn cúng Phật thì có đèn dầu lửa, hoặc dầu phọng. Bây giờ tự nguyện đem thân làm đèn, khoét thủng một phần nào đó để dầu vô đốt dâng cúng dường Phật. Làm việc này, chịu tất cả sự đau đớn để hồi hướng công đức cho cha mẹ, đền trả phần nào thâm ân đối với song thân. Tuy nhiên, Phật nói nếu làm được như vậy cũng chưa đền trả hết thâm ân cha mẹ. Tôi nêu dẫn một vài đoạn trong kinh Báo hiếu để chúng ta biết được phần nào công ân sâu dày của cha mẹ. Trong hội pháp này, chắc nhiều vị đã từng cưu mang, từng sanh dưỡng, nuôi nấng con cháu ở trong gia đình. Lời chúng tôi nói một có lẽ quí vị hiểu mười. Đã hiểu được công khó sanh dưỡng như thế nào thì chúng ta cũng sẽ hiểu một cách sâu sắc rằng muốn đền trả thâm ân cao trọng ấy thật khó có thể đền trả cho xứng được. Tuy nhiên là người con Phật, chúng ta nguyện khắc ghi trong lòng và từng bước, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mà chúng ta đền trả. Bởi vì người Phật tử nhất định không phải là một con người bội ơn, bội nghĩa. Đã mang ơn thì phải đền ơn. Đó là bổn phận của người Phật tử đối với đạo hiếu.
Kết lại, qua lời kinh Báo hiếu Phật dạy, đại chúng thảy đều kinh hãi, rơi lệ không ngừng và đồng thanh bạch Phật: Làm sao trả được thâm ân đối với cha mẹ? Câu hỏi này chẳng những ngày xưa mà đối với người học Phật hôm nay cũng khoắc khoải, canh cánh trong lòng.
Vậy ngang đây chúng tôi xin gởi đến toàn thể quí vị câu hỏi chân thành này để rồi mỗi vị mỗi vị tự tìm cách giải quyết. Việc này dứt khoát không thể đổ cho hoàn cảnh nào, chúng ta nhớ lấy. Chỉ như cha mẹ đi không nổi, ta dẫn cha mẹ đi một đoạn đường trong tình thương yêu, đó cũng là một cách trả ơn. Cha mẹ bực bội, ta nói một lời tốt đẹp cho cha mẹ an vui, đó là một cách trả ơn. Tất cả những gì có thể làm cho cha mẹ vui trong hiện đời ta phải nên làm, đó là một cách trả ơn. Trái lại là bội ơn.
Tôi xin mượn lời của bậc tiên Thánh trước để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay: Làm một con người mà bội ơn cha mẹ thì không xứng đáng là một con người.