MỤC LỤC
1. Báo Hiếu Trong Đạo Phật.
2. Phật Dạy Cách Báo Hiếu.
3. Hạnh Hiếu Của Người Con Phật.
4. Biết Ơn Và Đền Ơn.
5. Hạnh Hiếu Trong Đạo Phật.
6. Tinh Thần Báo Hiếu.
7. Phật Dạy Về Hiếu Hạnh.
8. Quan Niệm Về Hạnh Hiếu Của Người Con Phật.
9. Tinh Thần Hiếu Đạo.
Tinh thần báo hiếu
Nhân ngày quí Phật tử Phước Kiểng về đây cúng dường, chúng tôi xin thay lời Hòa thượng Viện trưởng và chư Tăng có mấy điều nói về hiếu hạnh để nhắc nhở quí Phật tử nói chung và Phật tử Phước Kiểng nói riêng trong ngày lễ Vu Lan.
Hiếu hạnh là nền tảng của tất cả các đạo giáo. Chúng ta tu theo tôn giáo nào thì hiếu hạnh cũng là gốc không thể thiếu được. Người con Phật chúng ta phải làm sao thực hiện đúng với tinh thần hiếu hạnh của đức Phật dạy, tròn bổn phận của một người con đối với ông bà cha mẹ bằng cách áp dụng Phật pháp vào cuộc sống của mình.
Nói về hiếu đạo thì trước nhất là nói đạo phụng thờ cha mẹ. Là một người con hiếu thảo đối với cha mẹ thì chúng ta phải hết lòng cung kính. Tại sao? Bởi vì công ơn của cha mẹ sâu dày vô kể. Muốn đền trả công ơn thâm sâu đó không có cách gì mà trả hết. Cung kính cha mẹ là một điều thông thường nhưng đôi khi chúng ta do không hiểu biết, hay bị bức xúc trong đời sống, chúng ta có những lời nói, hành động không hòa vui, cung kính đối với cha mẹ. Mỗi lần như vậy là chúng ta đã làm hỏng đi đạo hiếu của mình rồi. Cha mẹ còn hiện tiền là cơ hội tốt nhất để chúng ta báo đền thâm ân. Đó là điều người Phật tử tại gia chúng ta phải lưu tâm. Chúng ta có thực hiện được như vậy thì sau này mới có thể giáo dưỡng con cháu mình làm được như vậy.
Điều thứ hai là phải làm sao tạo được thuận duyên để cha mẹ vui vẻ. Người làm cho cha mẹ buồn khổ tức là làm cho cha mẹ mình mất sớm. Cho nên người Phật tử sống đúng tinh thần hiếu hạnh thì từ ngôn ngữ, cử chỉ v.v… đối với bậc sanh thành, chúng ta phải làm sao thể hiện được lòng thương kính hòa vui, chăm sóc ân cần, không để cha mẹ phải buồn tủi.
Truyện Lão Lai kể về một ông già bảy mươi tuổi, còn cha mẹ. Mỗi ngày ông mặc áo đẹp, vui cười tung tăng múa nhảy như thời bé thơ. Để làm gì? Để cha mẹ thấy ông còn bé thơ cha mẹ vui. Mà cha mẹ vui tức là cha mẹ sẽ sống thêm với mình lâu dài hơn nữa. Như vậy chúng ta có nơi nương tựa, có nơi để đền ân và để tu thân. Người con có hiếu đối với cha mẹ thì trong dáng dấp cử chỉ của mình, không nên sơ xuất điều gì. Bởi vì trong ánh mắt, trong vẻ mặt của mình, có điều gì hơi khác lạ thì cha mẹ khám phá liền. Ví dụ chúng ta có việc không vui, vừa về nhà thì cha mẹ liền hỏi sao con không vui hay con có gì bực dọc v.v.. Chắc chắn không khi nào chúng ta dấu được cha mẹ. Cha mẹ luôn luôn để tâm chăm sóc, theo dõi nhắc nhở, uốn nắn chúng ta từng chút. Nên nếu sơ xuất, làm cho cha mẹ không vui hoặc buồn khổ thì chúng ta có tội. Nói đến đây, tôi nhớ câu chuyện cũ. Một buổi chiều, tôi với mấy thầy lớn xin Hòa thượng đi Huệ Chiếu, Phổ Chiếu chở đồ. Chúng tôi về trễ, đang lúc đại chúng ngồi thiền. Vì vậy chúng tôi phải tắt đèn xe, chạy chậm chậm. Tối hôm đó Hòa thượng ngồi trong thất nhìn ra: “Sao mấy chú đi tới bây giờ chưa về?”. Sáng hôm sau tôi qua thất, Hòa thượng quở: “Đi đâu thì phải đúng giờ chớ không ở nhà người ta trông”. Hòa thượng là thầy, là người tu hành mà còn lo lắng cho đệ tử như vậy, hà huống cha mẹ ở ngoài đời. Nên làm con, đi đâu về hoặc có quan hệ với ai, chúng ta phải trình bạch rõ ràng, giờ giấc đúng hẹn để cha mẹ khỏi trông đợi. Trong công việc làm, đừng gây những ảnh hưởng không tốt cho gia đình, cha mẹ. Đó là người con hiếu hạnh.
Điều thứ ba, khi cha mẹ có bệnh, chúng ta phải hết lòng lo lắng, không nên có tâm tính toán so đo. Nếu có dị tâm khi phụng dưỡng cha mẹ thì không phải là con. Đối với cha mẹ như vậy thì sau này con cháu cũng sẽ xử với mình y như vậy, không lệch đường nào.
Điều thứ tư khi cha mẹ qua đời thì việc tang sự phải chu đáo, chí thành. Người thời nay theo nếp sống văn minh mới, có khi xem thường việc này. Tinh thần cổ truyền của dân tộc ta rất chú trọng việc này. Người xưa gìn giữ tang hiếu tới mấy năm. Như một vị giáo sư Phật tử ở Nha Trang. Có thời gian thấy ông để râu, để tóc dài, chúng tôi lấy làm lạ hỏi thăm. Ông nói mà chảy nước mắt, mẹ ông vừa mất. Ông đang trong thời kỳ cư tang báo hiếu. Nên trong thời gian này ông không tiếp xúc với bạn bè. Khi dạy học thì ông đến trường. Dạy xong, đi thẳng về nhà. Tuyệt nhiên trong gia đình không hề có tiệc tùng hay nhóm họp bạn bè cười nói ồn ào. Đã nhiều người con giữ hiếu với cha mẹ như vậy.
Các lễ nghi cúng kiến cần phải trang nghiêm, thành kính, không nên có tính cách trao đổi hai chiều. Hoặc chúng ta nghĩ rằng phải làm như vậy để trả ơn trả nợ cho rồi. Trong kinh Địa Tạng có nói, khi cầu siêu, hồi hướng công đức cho song thân, người ấy phải thành tâm thì mới có tác dụng, tác dụng là do tâm thành của người đứng ra tổ chức. Thông thường bảy phần công đức thì người quá vãng chỉ được một phần thôi. Nghĩa là tâm chúng ta thành khẩn hết mực khi cúng nguyện nhưng bảy phần công đức, người quá vãng chỉ hưởng được một phần, huống là tổ chức có tính cách vui theo thế thường, thì có tác dụng gì đâu.
Người con Phật nên ý thức rằng chúng ta làm việc gì đều phải có đạo lý, phải chân chính và có giá trị của nó. Như mùa báo hiếu, chúng ta về chùa phát tâm cúng dường, ít nhiều gì cũng được, tùy theo hoàn cảnh của mình. Nhưng tâm phải thành khẩn thì mới có công đức và công đức đó mới ảnh hưởng đến những người thân của mình đã qua đời. Ngài Thái Công có nói: “Biết ơn mà lo đền ơn, đó là người có phẩm cách hòa nhã, còn chịu ơn mà chẳng báo đáp thì không xứng đáng là người”. Phật tử chúng ta nên biết sở dĩ mình có thân này, có địa vị, có đạo lý, sáng suốt đều bắt nguồn từ cha mẹ. Ân này rất lớn. Biết vậy mà không lo báo đền thì quả thật chúng ta không xứng đáng. Tùy theo hoàn cảnh đời sống, chúng ta cố gắng sắp xếp, tổ chức gia đình, dạy dỗ con cháu, cư xử với ông bà, cha mẹ, anh em, xóm giềng sao cho trên thuận dưới hòa. Như vậy đạo hiếu mới được trọn vẹn.
Điều thứ năm, người xưa nói: “Có hiếu với cha mẹ thì con cũng có hiếu với mình”, đây là qui luật nhân quả. Nghĩa là chúng ta có hiếu với cha mẹ thì con cái sẽ có hiếu với mình. Nếu chúng ta không có hiếu với cha mẹ thì đừng mong con cái có hiếu với mình. Cho nên bản thân tự trọn vẹn được hạnh hiếu tức là dạy được con cái có hiếu hạnh. Lời người xưa vẫn còn: “Người hiếu thuận lại sinh con hiếu thuận, người ngỗ nghịch lại sinh con ngỗ nghịch. Nếu chẳng tin hãy xem nước mưa ở trên mái nhà rơi xuống dưới thềm, giọt trước, giọt sau chẳng sai chút nào hết”. Chúng ta là Phật tử, mà không thực hành đạo hiếu thì dù cho Phật cũng không cứu được. Nên mỗi người phải tự nỗ lực sửa đổi, tu tập. Cá nhân đã hoàn thiện thì mọi phúc lành sẽ đến, khỏi phải cầu mong và cũng không nên ỷ lại trông chờ vào đâu hết.
Đó là nói những người con chí hiếu. Còn về bất hiếu có những điều lỗi như sau:
Một là biếng nhác, chẳng lo làm việc để nuôi cha mẹ. Khi chưa có gia đình riêng thì lười nhác không chịu làm việc phụ lo cho gia đình, cha mẹ. Khi đã có gia đình riêng, cũng không chịu nỗ lực làm việc, sắp xếp đời sống, ăn ở cho tốt lại còn trở về làm phiền lòng cha mẹ, gây tiếng xấu hoặc tạo ảnh hưởng không tốt cho cha mẹ.
Điều thứ hai là say mê cờ bạc, rượu chè, chẳng đoái hoài tới việc phụng dưỡng cha mẹ. Nên người Phật tử chúng ta phải cẩn trọng dè dặt, tránh xa những bệnh làm đồi trụy, hư hỏng con người, làm đổ nát nền tảng xã hội và gia đình. Hãy xem những thứ đó như là rắn độc sẵn sàng giết chết chúng ta bất cứ lúc nào.
Chúng ta biết hễ uống rượu thì sẽ mất trí, sẽ say sưa, sẽ nói bậy. Muốn đừng mất trí, đừng say sưa, đừng nói bậy thì đừng uống rượu, giản dị như vậy thôi. Nhưng khó làm là tại người không bản lĩnh, không có trí tuệ. Có người đổ cho hoàn cảnh, cho việc giao tế v.v… “Vô tửu bất thành lễ”, đó chỉ là những cách nói. Với tinh thần của đạo Phật thì phải dứt khoát, phải sáng suốt. Chúng ta biết điều đó gây hậu quả tai hại thì phải ngăn ngừa, buông bỏ, đừng để thâm nhập thành bệnh, thành nghiện rồi làm khổ cha mẹ, khổ bản thân.
Điều thứ ba, tham lam keo xẻn, chỉ biết vợ con, chẳng đoái hoài gì tới việc phụng dưỡng cha mẹ. Đây là trường hợp những người có thể tạo dựng sự nghiệp cho mình, nhưng không nghĩ đến cha mẹ. Có khi cha mẹ thiếu thốn vẫn không nuôi dưỡng, thật là đáng trách. Thử nghĩ nhà mình giàu có muôn hộ, xa hoa phung phí mà cha mẹ thiếu thốn lang thang, đời sẽ mỉa mai, nguyền rủa ra sao. Dù có địa vị, có tiền tài mà bị nguyền rủa, không làm tròn bổn phận của một con người thì có gì vinh dự, có gì xứng đáng. Cứ mãi đắm đuối theo vật chất xa hoa bên ngoài, sung sướng vui tai thỏa thích con mắt mà không nghĩ đến cha mẹ, làm nhục đến gia phong. Những hạng người này sớm muộn gì cũng chuốc lấy quả báo xấu. Như bị người khinh khi, hưởng hết phước rồi nghèo cùng khốn đốn, già yếu không người chăm sóc, đỡ đần v.v…
Điều thứ tư là hung hăng bạo ngược, ỷ mạnh hiếp yếu, làm phương hại đến cha mẹ, đó cũng là một điều bất hiếu nữa. Kẻ nóng nảy, thường dùng sức mạnh đánh đập người khác, sẽ gây ảnh hưởng tới gia đình. Đó là làm nhục cha mẹ. Là Phật tử, chúng ta kiên quyết không làm những điều này.
Đạo Phật là đạo siêu xuất thế gian. Tuy nhiên cái gốc vẫn là làm tròn hiếu đạo, làm tròn bổn phận của một con người đối với cha mẹ, quyến thuộc, ân nhân, xóm làng. Có vậy mới có thể tiến dần lên Phật đạo.
Chúng ta để lại nhiều của cải cho con cháu không bằng để lại sự hiểu biết, nền tảng đạo đức, đó mới là gia tài vô giá. Nếu để tài sản nhiều mà không dạy bảo, nhắc nhở cho con cháu biết sử dụng tài sản ấy đúng tinh thần đạo đức, thì dễ gây ra tai họa thôi. Tai họa cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội.
Vì vậy trí tuệ, kinh nghiệm đạo đức, hiếu hạnh trong cuộc sống là những điều không thể thiếu được đối với người con Phật. Phật tử học đạo rồi phải áp dụng Phật pháp vào trong đời sống của mình. Đó mới là người khôn ngoan, biết lo cho mình và mọi người.
Ngày xưa, các vị Thánh nói: “Một ngày không nghĩ đến điều thiện thì mọi điều ác sẽ tự nổi lên”. Đây là yếu tố nằm trong luân lý cuộc sống. Phật tử chúng ta giáo dục gia đình, dạy dỗ con em, hướng dẫn họ tu tạo công đức thì bản thân mình phải làm gương. Ví dụ mấy đứa cháu đi học, chúng ta dạy nó khi ra đường gặp người già yếu lớn tuổi không thấy đường đi, con nên nhường bước hoặc nắm tay dắt dẫn những vị ấy. Thì chúng ta phải thực hiện trước những điều ấy cho chúng thấy, chúng mới noi theo. Những việc thiện này, tuy hết sức bình thường nhưng nếu không khéo đôi khi chúng ta không dạy được con cháu. Bởi vì nếu ra đường ta mở miệng nói những lời tục tằn, chửi mắng hoặc tranh chấp, đánh lộn, gian giảo… thì làm sao dạy con cháu được. Thành ra trong gia đình, từ sáng tới chiều, nếu không làm việc tốt nhỏ nào thì nhất định điều xấu sẽ nảy sinh. Cứ thế ngày này qua ngày khác, rồi cả đời sống của mình ngày nào cũng toàn là thấy chuyện xấu, chuyện ác, những việc làm đưa lại hậu quả bất hảo, khổ sở cho người ta.
Rõ ràng tu hành không hẳn đợi tới chùa tụng kinh mới gọi là tu mà nhịn được một lời khi người nặng nhẹ là đã tu rồi. Nhường một bước đường cho người đi trước cũng là tu rồi. Dẫn người già qua một cây cầu, một đoạn đường cũng là tu rồi, đâu đợi thời gian hoàn cảnh nào mới tu. Người con Phật dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng tu được hết. Lúc nào chúng ta cũng nhớ giữ tâm Bồ đề, giữ niềm vui hòa kính với nhau. Không để niệm xấu ở trong lòng tác động mình, gây nên những nghiệp không tốt. Đó là chúng ta biết áp dụng tu hành vào đời sống.
Việc giáo dưỡng con em phần lớn là ở gia đình. Chúng ta cho con đi học đến trường dĩ nhiên thầy cô dạy dỗ văn hóa, đạo đức. Nhưng về nhà, chúng thấy cha mẹ không tốt, chúng sẽ mất niềm tin. Từ đó chúng bỏ học hoặc có đến trường cũng chỉ để gặp gỡ bạn bè, rủ rê chơi bời. Chúng ta không kiểm soát, không dạy bảo, không uốn nắn được mà đổ cho nhà trường thì quả thực là điều sai lầm, đáng trách.
Cho nên người có trách nhiệm đối với gia đình, phải luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt, làm việc tốt dù hết sức nhỏ. Đạo lý thường nằm trong những việc thường. Chớ cho việc ác nhỏ mà làm, chớ cho việc thiện nhỏ mà bỏ qua. Chúng ta nên tiết kiệm từng chút phước, từng việc làm nhỏ. Tu là sửa chớ không phải tu là cạo đầu, mặc áo nhuộm, ở chùa, ăn chay. Một cá nhân tốt thì gia đình tốt. Một gia đình tốt, xóm làng tốt thì xã hội tốt. Một xã hội tốt thì quốc gia tốt.
Tóm lại, người Phật tử có hiếu hạnh là một người trong cuộc sống bình thường trôi tròn bổn phận đối với gia đình. Đối với xã hội là một công dân tốt. Đối với đạo luôn gần gũi chư Tăng, chư Ni để học hỏi áp dụng giáo lý vào đời sống. Chúng ta nhớ tu cho mình chớ không tu cho ai hết. Tu được nhiều thì có phước nhiều, công đức nhiều. Phật không thể dùng thần thông diệu dụng để ban phúc giáng họa cho chúng ta. Phật chỉ có kinh nghiệm và phương pháp chỉ dạy chúng ta. Làm đúng như vậy chúng ta sẽ thành Phật, không nghi. Nên mỗi chúng ta phải nỗ lực tu. Muốn có phước thì phải làm phước, muốn con có hiếu với mình thì mình phải có hiếu với cha mẹ. Muốn đạt đạo thì phải tu đạo, không thể chỉ mong muốn suông thôi. Đó là những việc Phật tử chúng ta phải thực hành.