Tổ chức tang lễ theo tập quán của người Việt Nam

Trên đời có 2 việc mà thường thì chúng ta sẽ có nhiều thiếu sót đó là đám “Hiếu” và “Hỷ”, tuy nhiên với đám hỷ thường thì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ trước nên mọi việc sẽ dễ dàng hơn và có sự chuẩn bị chu đáo hơn. Còn với đám “Hiếu” nhất là đột ngột trong khi mọi người đang đau buồn, bối rối sẽ rất khó để tổ chức được chu đáo. Chính vì vậy thường sẽ là người thân gần gũi trong gia đình và hàng xóm sẽ đến giúp đỡ gia đình chuẩn bị các công việc, và tiếp khách giúp gia đình. Dưới đây là quy trình tổ chức một tang lễ theo truyền thống của người Việt do Lạc Hồng Viên sưu tầm và đúc kết lại mong rằng sẽ giúp được phần nào quý vị trong lúc tang gia bối rối để tránh được các thiếu sót.

I. Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị trước khi nhập quan

Trước khi nhập quan cho người mất, theo quan niệm truyền thống, mỗi gia đình phải chuẩn bị chu đáo những điều sau cho người mất.

– Nước thơm gồm gừng tươi, bưởi, bồ kết, ngải cứu, hương nhu, thì là, tía tô, bồ kết.
– 1 bộ quần áo mới của người chết gồm áo may ô, áo sơ mi, quần lót, quần âu, áo vest, giầy, thắt lưng, cà vạt, 02 đôi bít tất mới. Chú ý với người chết là nam, nữ thì khác chút mà cũng tương tự.
– 1 bộ đầy đủ vật dụng của người chết nữa (bàn chải đánh răng, gương, lược, phấn son (nếu có), nước hoa, kính lão, quần áo, giầy guốc, máy cạo râu)
– 1 bộ trang điểm: phấn, son.
– Vải đám tang để phủ lên người chết, làm khăn tang; vải vàng làm khăn tang và vải xô trắng
– Những vật dụng để vào quan tài người mất: Đá khô, miếng vàng, miếng bạc (có nơi có cả miếng ngọc), bộ chắn, bông (nút hậu môn, tai, mũi), tiền lẻ (loại 1000, 2000 để vài tờ vào linh cữu)
– Liên hệ với nhà chùa xem giờ nhập quan, nơi chôn cất
– Liên hệ đội kèn trống

Chuẩn bị bàn thờ

Dù tổ chức đám tang ở nhà tang lễ nhưng các gia đình không dùng bàn thờ nhà tang lễ mà vẫn cần tự chuẩn bị bàn thờ riêng gồm: 02 cây chuối nhỏ, 02 lọ hoa (nghiêm cấm dùng hoa huệ ), 02 bát hương (bát hương xin ở chùa, nhờ nhà chùa bốc cho rồi đem về, 1 bát để trên linh cữu, 1 bát để ở bàn thờ), 01 di ảnh, 01 mâm ngũ quả gồm (05 loại, tùy vào từng hoàn cảnh gia đình mà bày biện), 01 thùng các tông (để đựng hương đến viếng), 01 chậu nước (để nhúng hương), 01 thùng các tông nhỏ (đựng phong bì viếng) 01 mâm để khăn tang, áo xô, nến cốc to 1 thùng, nến cốc nhỏ 1 thùng; 07-09 khúc chuối (để cắm hương trên linh cữu).

Ngoài gia chủ, cần có thêm 01 người đứng châm hương đưa cho khách, 01 người đỡ lễ khách dâng.

Chuẩn bị sẵn đội xé khăn tang, áo xô

– Dao 3 con, kéo 3chiếc
– Sau khi được xé ra, 1 người trong BTC tang lễ ra, xếp theo từng gia đình trong họ, ghi tên ở ngoài, số còn lại để đó dùng dần.

Đội rót trà, nước, thuốc, trầu cau mời khách

Đám tang sẽ có rất nhiều người ra vào hỏi thăm và phúng viếng, vì thế các gia đình phải phân công và chuẩn bị 2-3 người rót rà, pha nước mời khách. Riêng về trầu cau nên nhờ 2 cụ bà đảm nhiệm việc têm trầu.

Chuẩn bị bàn tang lễ

– Sổ tang lễ 01 quyển (ghi danh sách những cá nhân, tổ chức đến viếng).
– Đĩa dâng lễ = 20-30 chiếc, phong bì trắng 01 tập, bút 03 chiếc
– Băng đen nhựa = số lượng người thân trong gia đình, băng đen nilon 1 tập cho khách.
– Cáo phó 3-5 tờ dán, 01 míc, 01 đài phát
– Gia đình cũng phân công 02 người đỡ hoa, tiếp khách; 02 người trực ở bàn tang lễ để ghi sổ + đọc báo khách vào viếng yêu cầu giọng nói truyền cảm trầm ấm.

Chuẩn bị bàn ghi sổ tang

Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn 01 sổ tang để ghi lại tình cảm của quan khách đối với người chết. Kèm với đó là 02 chiếc bút và 02 ghế để tiện lợi cho khách ngồi ghi.

Chuẩn bị đội hậu cần nấu nướng

Đây là công việc cực kỳ quan trọng, nếu thuê được thì tốt nhất nên thuê còn không phải cắt cử người lo công tác này chu đáo. Tốt nhất nên chuẩn bị cỗ chay.

Chuẩn bị thuê phông bạt, bàn, ghế

Dù lúc tang gia bối rối nhưng các gia đình vẫn cắt cử người liên hệ thuê, phông, bạt, bàn ghế, thu dọn nhà cửa.

II. Các nghi thức trong đám tang

  1. Lập bàn thờ Vong:

    Bàn thờ vong là một cỗ linh sa được đặt trên một chiếc bàn. Trong linh sa có bài vị cà ảnh cùng tên tuổi của người chết. Trước bài vị là một chiếc mâm bồng bày nải chuối và quả bưởi. Dân gian giải thích rằng: Cây chuối có nhiều bẹ ôm bọc lấy nhau, quả ra thành buồng đông đúc, lớp lang, cây mẹ cây con mọc thành bụi, thành khóm um tùm, lá xòe thành tán che chở cho cây non là biểu tượng của tình cảm gia đình quần tụ, nhiều thế hệ, đông vui, yêu thương, đùm bọc, gắn bó, chở che. Chuối lại mọc thẳng không phát nhánh là biểu tượng cho tính thật thà, ngay thẳng và trung hiếu của con người.

  2. Phát tang

    Ở giai đoạn này, đại diện BTC sẽ đứng lên đọc tên từng gia đình. Con cháu 1 gia đình đứng xếp hàng ngay ngắn trước bàn thờ, người có vị trí quan trọng trong gia đình đứng trước thứ tự xếp từ lớn đến bé. Xếp thành 3-4 hàng. Người đại diện gđ bước lên nhận khăn và trao lại cho con cháu, truyền tay nhau, trật tự, có quy củ, không chen lấn.

    Sau lễ phát tang, gia đình cử 02 người đứng ở 2 bên, 1 người chịu trách nhiệm đỡ lễ đặt lên bàn thờ, 1 người chịu trách nhiệm châm hương đưa cho khách.

    Gia quyến làm lễ phát tang. Số khăn tang và mũ mấn được làm đủ với số con cháu, được đặt vào một chiếc mâm trên hương án. Sau khi an táng, cháu, chắt không phải đội tang nữa, nhưng con cái hoặc vợ, chồng thì vẫn đội khăn hoặc dùng một mẩu vải đen đeo trước ngực. Sau giỗ đầu, việc để tang này kết thúc. Trong vòng một năm tang trở này, người ta kiêng không đi đám cưới, không đi chúc tết… không đi các đảm hỷ.

  3. Nhập quan, Khâm liệm

    – Mời sư thầy đến cả nhà làm theo hướng dẫn của sư thầy
    – Di chuyển người chết nhập quan: Thi thể người chết được đặt trên chiếc chiếu dưới nền nhà, khăn phủ mặt, dùng vải trắng gói người chết lại và đặt vào trong quan tài, gáy được gối cao. Phong tục ở đây không thể thiếu một bộ tam cúc bỏ vào trong ván, để trừ trùng.
    Quan tài được đặt ở gian chính giữa, theo chiều dọc của ngôi nhà, song song với bàn thờ. Với những người chết có bệnh phù thũng, người ta dùng cám rang hoặc gạo rang giã nhỏ rắc vào trong ván để hút nước và khử mùi. Kể từ lúc đó đến lúc đưa tang trên quan tài luôn được thắp nến (nam 7 ngọn, nữ 9 ngọn). Nắp quan tài được mở hờ, lúc đưa tang mới đóng khít lại.

  4. Phúng viếng:

    Đám tang thường bắt đầu từ 3,4 giờ chiều hôm trước và kết thúc vào 9, 10 giờ sáng hôm sau. Sau lễ phát tang cho đến trước khi chôn cất là khoảng thời gian để thân nhân, họ hàng phúng viếng. Kể từ lúc này người con trai trưởng phải luôn đứng cạnh bàn thờ vong để cảm ơn những người đến phúng (đáp từ). Vật phẩm phúng viếng thường là hương, nến, rượu, vòng hoa, câu đối, và “phong bì”. Xưa kia người dân thường dùng rượu và gạo nhưng hiện nay, để giảm tiện nhiều người phúng bằng “phong bì”. Người đến phúng đứng thành hàng trang nghiêm trước hương án, một người đại diện bước ra nói lời chia buồn với tang chủ, sau đó họ dành một phúc cúi đầu mặc niệm người quá cố. Mỗi lễ thức lại được tấu một khúc nhạc riêng, được quy định sẵn, rất bài bản.

  5. Hỏa táng

    Nếu chọn hỏa táng, người chết sẽ được thiêu bằng các công nghệ hỏa táng nơi mình đăng ký, có thể thiêu lấy tro, thiêu lấy xương tùy gia đình chọn lựa hình thức. phần tro, xương được đựng trong hũ tro hoặc xương sẽ được xếp lại trong một hộp đựng về để an táng.

  6. Chuẩn bị đưa tang khi đến giờ an táng

    – Chuẩn bị đến giờ an táng, thầy chùa sẽ đến làm lễ, toàn bộ gia quyến người chết tập trung bên linh cữu, quỳ lạy theo hướng dẫn của thầy và người trong BTC lễ tang.
    – Bố trí người trông bàn thờ và phong bì: Thời điểm này rất lộn xộn nên cần bố trí từ trước người đứng trông chừng bàn thờ và thùng phong bì. Tránh việc kẻ gian lợi dụng thời điểm để làm liều, đồng thời thay gia chủ đáp lễ khi có khách viếng, báo cho gia chủ biết khách viếng.
    – Đọc điếu văn: Điếu văn 1 người đọc, lời cảm ơn của gia quyến đối với toàn bộ quan khách tham gia lễ đưa tiễn
    – Di chuyển quan tài: Để di chuyển quan tài, gia đình cần bố trí 01 người khiêng linh cữu, người lo việc nước thuốc, mời trầu tại nơi an táng.

    Nếu chưa được chuẩn bị từ trước, huyệt phải được đào vào buổi sáng ngày chôn cất (tùy nơi). Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu khác lần lượt ném xuống một nắm đất, thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Chủ yếu là những người trong Ban quản lí nghĩa trang thực hiện công việc này. Lúc này mộ mới chỉ đắp sơ sài. Người ta phủ vài mảng cỏ rồi thắp hương và đặt bát cơm bông lên đó.

  7. Rước vong về thờ

    Ảnh, bát hương cùng mâm quả thờ trên linh sa được rước vào đặt lên bàn thờ vong, sau cúng 50 ngày thì rước ảnh lên bàn thờ của gia đình. Người ta lập một bàn thờ vong ở ngay nơi mà trước kia người chết nằm. Hai bên bàn thờ được treo câu đối thành hai hàng dọc. Trên bàn thờ luôn có hương khói, đèn nhang.

    – Sau an táng cho người mất, các gia đình thường trở về nhà tập trung trước bàn thờ, làm theo hướng dẫn thầy chùa.
    – Mời họ hàng, bà con dùng cơm cảm ơn.
    – Dọn dẹp lại nhà cửa.
    – Tổ chức lễ cúng ngày, cúng tuần 35, 49 ngày đơn giản và thành tâm.

III. Các nghi thức sau đám tang

  1. Cúng tam nhật

    Sau 3 ngày thì cúng Tam nhật: nhờ thầy cúng và trong lễ có phóng sinh các con vật VD: chó, cá, gà… mục đích hồi hướng công đức cho người đã khuất, mong người đã khuất sẽ được đầu thai vào nghiệp lành. và sau đó ra mộ cúng mở cửa mả để có thể bồi đắp thêm phần đã sụt nún sau 3 ngày, dọn vệ sinh, có thể rào chắn cho trâu bò khỏi đi vào … vì sau khi lấp chỉ cuối năm mới được ra tảo mộ và bồi đắp, tu sửa lại thêm.

  2. Cúng đầu tuần:

    Ngoài bát cơm, quả trứng ngày ba bữa cúng vong thì sau 1 tuần sẽ có làm lễ cúng tuần.

  3. Cúng 49 ngày

    Ngày thứ 49, con cháu làm cỗ cúng tại nhà và mang xôi gà, rượu cùng trầu cau, hương lên chùa, đền lễ cho vong hồn người chết được mát mẻ, siêu thoát, sớm được đầu thai vào nghiệp lành. Sau 49 ngày người ta có thể rước vong linh lên chùa (với những cụ đã quy y nhà Phật). Lễ vật gồm trầu cau, xôi thịt cùng hương nến.

  4. Cúng 100 ngày

    Cúng 100 ngày rất đơn giản, mâm cúng tùy theo từng nhà nhiều ít khác nhau, tuy nhiên cơm trắng, muối hạt, và trứng là không thể thiếu.

  5. Cải táng

    Người chết từ ba năm trở lên mới được phép cải mộ. Người ta thường xem ngày, chọn giờ tốt, mua sẵn một chiếc tiểu sành để chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Đến ngày đã định, trước khi đào mộ, con cháu làm lễ cúng tổ tiên, trình bày việc “thay nhà mới” cho người chết. Họ cũng sắp lễ đến cúng ở chùa, đền và trên mộ.

  6. Kị mật

    Người Việt xem trọng việc làm giỗ tổ tiên và thân nhân của mình mỗi năm, vào ngày mất của họ. Đặc biệt giỗ đầu luôn được tổ chức long trọng, thân nhân ở xa không về kịp đám tang thường đợi đến giỗ đầu mới về. Sở dĩ như vậy vì họ cho rằng sau một năm mà thân nhân người chết không ốm đau, làm ăn không thất bại, mồ mả không bị động thì người chết đó mới được coi là ra đi thanh thản, mồ yên mả đẹp và phù hộ độ trì cho con cháu.

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng

Giỏ hàng

Đã xóa. khôi phục
    Thành tiền 0 VNĐ